Nguồn gốc Tên_thánh

Theo truyền thống của người Do Thái, người ta sẽ đặt tên cho trẻ sơ sinh trong nghi lễ thánh hiến tại hội đường (và cắt bì đối với trẻ sơ sinh nam) vào ngày thứ tám sau khi sinh (Lc 01:59). Kitô giáo kế thừa hoặc dựa theo tập tục này để đặt tên mới khi một ai đó nhận phép rửa tội vì họ quan niệm rằng sau khi rửa tội thì sẽ trở thành một con người mới nên cần có tên mới.

Năm 325, Công đồng Nicaea quyết định cấm tín hữu dùng tên các thần Thánh không phải của Kitô giáo để đặt tên cho mình. Đến thời Công đồng Tridentino họp năm 1563, Giáo hội Công giáo buộc giáo dân khi đặt tên phải chọn tên Thánh. Công đồng này lưu ý các linh mục khi cử hành bí tích rửa tội nếu gặp trường hợp ai đó cố tình đặt tên không hợp tinh thần Kitô giáo thì vị linh mục đó tự động thêm vào một tên Thánh khác, coi đó là tên thứ hai và ghi vào sổ rửa tội giáo xứ.

Từ năm 1983, Giáo hội Công giáo đã bãi bỏ luật buộc người Công giáo phải lấy tên thánh, mà họ chỉ quy định tên riêng (tên thế tục) phải phù hợp với ý nghĩa Kitô giáo. Cụ thể, Điều 855 của Bộ Giáo Luật 1983 quy định: "Cha mẹ, người đỡ đầu và Cha Sở phải lo liệu để đừng đặt một tên không hợp với ý nghĩa Kitô giáo". Tuy nhiên, tập tục đặt tên thánh vẫn còn duy trì tại các nơi mộ đạo. Các tên này thường được cha mẹ của trẻ sơ sinh hoặc tự thân người nhận ngghi thức (nếu trưởng thành) chọn theo tên các vị thánh nổi tiếng của giáo hội, nam theo thánh nam và nữ theo thánh nữ, cá biệt có trường hợp chọn cả tên thánh nam và nữ. Việc chọn tên thánh theo vị thánh nào thì họ tin rằng sẽ nhận được sự hướng dẫn và trợ giúp của thánh đó trong đời sống, và họ sẽ mừng lễ thánh quan thầy (hoặc thánh bổn mạng) theo ngày lễ kính của thánh đó. Nhìn chung, đối với những tín hữu mộ đạo, lễ kính thánh quan thầy khá quan trọng như ngày sinh nhật.

Trong từ điển bách khoa Công giáo, cho rằng tục lệ đặt tên thánh bắt nguồn từ quan niệm tình trạng con người được thay đổi. Nhận lãnh bí tích rửa tội từ con người tội lỗi biến đổi sang con người mới. Do vậy, nhận tên thánh là chứng tích biến đổi về mặt tâm linh. Trường hợp cụ thể là vị tông đồ Paul của Kitô giáo, sống vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên, trước đây có tên là Saul, khi cải đạo sang Kitô giáo thì ông đổi tên là Paul mà người Công giáo Việt Nam gọi là Thánh Phaolô.